Sáng 9.11.2023, Khoa Kinh tế quốc tế Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức “Tọa đàm trao đổi nội dung Chương trình đào tạo Ngành Kinh tế Quốc tế - Chương trình tiếng Anh bán phần” và “Chương trình đào tạo Ngành Kinh tế Quốc tế - Chương trình chính quy chuẩn” tại cơ sở 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1. Tại đây các đại biểu đã bàn luận về việc xây dựng hai chương trình đào tạo mới của Khoa để góp ý chỉnh sửa và hoàn thiện trong thời gian tới.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của:
- PGS. TS. Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
- Đại diện Chuyên gia: PGS. TS. Lê Thanh Tùng – Trưởng khoa Kinh tế phát triển công, ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh
- Đại diện Nhà tuyển dụng: Ông Nguyễn Duy Nghĩa – Giám đốc Tài chính, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mylina
- Ban Lãnh đạo và Giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế – ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
- Đại diện cựu sinh viên và sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở hai chương trình đào tạo mới của Khoa Kinh tế quốc tế trong bối cảnh nhu cầu học tập của thị trường nhằm trang bị các kiến thức, kĩ năng cho người học trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế, Kinh tế và kinh doanh số trước sự thay đổi vô cùng nhanh chóng của thị trường lao động.
TS. Lê Thị Ánh Tuyết đã tóm tắt nội dung chính của Chương trình đào tạo Ngành Kinh tế Quốc tế - Chương trình tiếng Anh bán phần và Chương trình đào tạo Ngành Kinh tế Quốc tế - Chương trình chính quy chuẩn.
Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp khoa học và hữu ích từ các chuyên gia trên nhiều góc độ khác nhau. PGS.TS. Lê Thanh Tùng cho rằng, các chương trình đào tạo ngành của khoa Kinh tế quốc tế được biên soạn công phu, nội dung bao hàm đầy đủ các yếu tố cần và đủ để thực hiện đào tạo, chương trình được thiết kế đột phá với nhiều môn học mới, đáp ứng được cho nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cả hai chương trình cũng nên xem xét một số nội dung liên quan đến chuẩn đầu ra cho phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, đại diện đến từ nhà tuyển dụng - Ông Nguyễn Duy Nghĩa cũng đóng góp những ý kiến trên góc độ thực tế như nên bổ sung nội dung giảng dạy về Thuế quốc tế và đạo đức nghề nghiệp.
Đứng dưới góc nhìn cựu sinh viên, sinh viên khoa Kinh tế quốc tế khi tham gia nhận xét hai chương trình đào tạo mới cũng mong muốn chương trình bổ sung thêm thời lượng cho các môn chuyên ngành các kỹ năng mềm để trang bị tốt hơn cho sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động.
Kết luận buổi tạo đàm, PGS. TS Hà Văn Dũng – Trưởng khoa Kinh tế quốc tế cám ơn và đánh giá cao các góp ý giá trị của các chuyên gia, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và sinh viên đối với các chương trình đào tạo mới của Khoa Kinh tế quốc tế. Trên cơ sở kết quả buổi tọa đàm, Khoa Kinh tế quốc tế tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo và xã hội.